Họp toàn quốc về tình hình thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia
Thông tin Ngành - Địa phương
Họp toàn quốc về tình hình thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia (24/02/2023)
Sáng 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Yên

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, đến hết năm 2022 cả nước có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì giảm từ 1 đến 1,5%/năm.

Về tình hình phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2023, đến nay đã có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương với hơn 18.800 tỷ đồng, còn lại 6 địa phương chưa phân bổ hết hoặc đang chờ HĐND cấp tỉnh họp phê duyệt. 25 địa phương bố trí ngân sách đối ứng với tổng kinh phí gần 5.430 tỷ đồng để thực hiện các chương trình…

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có thêm những hướng dẫn cụ thể để thực hiện một số nội dung vẫn còn chung chung. Lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương cũng chỉ ra những bất cập trong thủ tục hành chính, phân bổ vốn thực hiện cơ chế, lồng ghép các chương trình, phân cấp phân quyền trong thực hiện ở các khâu… cần được nhìn nhận để khắc phục.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, hoàn thành sớm việc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chưa rõ để phù hợp với thực tiễn triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia tại các địa phương; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia một cách cụ thể, tránh xung đột, chồng chéo với các văn bản khác; các địa phương rà soát các dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải. Đồng thời, tiếp tục đóng góp các ý kiến, giải pháp để cấp thẩm quyền nắm bắt, kịp thời giải quyết, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.

Ngọc Hoàng

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: