Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng. Bộ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 08 Nghị quyết của Quốc hội, 05 Nghị định của Chính phủ (và 06 Nghị định đã trình Chính phủ), 13 Thông tư, 17 Nghị quyết của Chính phủ, 05 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 07 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 05 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 01 Chương trình mục tiêu quốc gia, 04 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, bộ đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là khối lượng các đề án, báo cáo bộ được giao thực hiện rất lớn nên vẫn còn có một số đề án, báo cáo hoàn thành chưa đúng hạn theo yêu cầu. Bên cạnh đó, một số đề án, báo cáo có nội dung phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực cần phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, nhưng việc trả lời góp ý, thẩm định của một số bộ, ngành lại chậm trễ cũng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong bộ, giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ khác có lúc vẫn chưa được tốt, sự phối hợp trong tiếp nhận thông tin có lúc chưa nhịp nhàng, gây bị động, thiếu thông tin…
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, bộ triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030. Tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành cao hơn mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra để tạo tiền đề phát triển cho năm 2025 và cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô. Hoàn thành và trình phê duyệt 05 quy hoạch vùng còn lại trong quý I năm 2024; tham mưu, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã ban hành, tạo động lực, không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và tỉnh. Tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài. Tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; xác định và tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể tận dụng, đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…, cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…
Thủy Loan