Triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023
Doanh nghiệp
Triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 (07/02/2023)
Đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm về kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh phát triển nhanh, bền vững.

UBND tỉnh Phú Yên đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản vào tháng 11/2021. Ảnh minh họa

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra tại Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 của tỉnh Phú Yên vừa được UBND tỉnh ban hành. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh.

Về định hướng thu hút đầu tư, Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số; các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch,…); đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là về kinh tế biển, phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Khu Kinh tế Nam Phú Yên và các Khu công nghiệp. Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực kinh tế, các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt cho môi trường đầu tư.

Về đối tác, tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,…) như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Đối với phương thức xúc tiến đầu tư, xúc tiến và thu hút các dự án có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Tăng cường kết nối với các đại diện xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành tại nước ngoài ở một số thị trường trọng điểm. Chủ động tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp với các đối tác; tăng cường đổi mới công tác xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư trên môi trường số. Tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai xây dựng dự án.

Nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư. Ngoài ra, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu; đào tạo, tập huấn; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

9 giải pháp thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh triển khai các Chương trình hành động, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.

Thứ hai, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên, để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững.

Thứ ba, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.

Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm định hướng xây dựng và triển khai các giải pháp phù hợp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, tiến hành rà soát các dự án chậm triển khai đầu tư, trường hợp Chủ đầu tư không có khả năng triển khai dự án sẽ kiên quyết thu hồi để giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngoại giao, các Hiệp hội doanh nghiệp và Đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại các nước, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của các tỉnh, khu vực để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thứ tám, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng.

Thứ chín, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.

Mỹ Luận 

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: