Năm 1945, trải qua muôn vàn thử thách trong máu lửa đấu tranh, qua các cao trào cách mạng vào những đầu năm thập niên 40, Đảng ta đã được củng cố và phát triển nhanh chóng. Số lượng đảng viên tuy chưa nhiều nhưng phần lớn là những chiến sĩ cách mạng trung kiên, được tôi luyện trong thử thách đấu tranh, có quan hệ gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân. Cũng vào thời gian này, tình hình trong nước biến chuyển rất mau lẹ. Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Quân Đồng minh chuẩn bị kéo vào nước ta để giải giáp vũ khí của Nhật, phát xít Nhật ở Đông Dương rơi vào tình trạng hoảng loạn như rắn mất đầu. Thực dân Pháp cũng đang ráo riết chuẩn bị quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế lúc này là vô cùng khẩn cấp, nhưng cũng là thời cơ ngàn năm có một, nếu để trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại.
Thời cơ cách mạng đã đến, chúng ta phải dũng cảm, kịp thời và kiên quyết nắm bắt thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong hai ngày 16 và 17-8-1945, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh tổ chức khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đại hội đã thông qua chủ trương phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đại hội cũng thông qua nhiều chính sách lớn về đối nội, đối ngoại; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, bao gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Trong giờ phút hào hùng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên đất nước ta đã bị lật nhào. Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ trong cả nước đã chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân.
Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Uỷ ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngay ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngày 28-8-1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Bác Hồ bắt đầu chắp bút khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để tuyên bố trước quốc dân đồng bào, tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam đã trở thành một “nước Việt Nam tự do và độc lập”. Ngày 30/8/1945, Bác hoàn thành bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập và mời một số đồng chí đến góp ý. Bác vui mừng nói với mọi người xung quanh: “Trong đời, Bác đã viết rất nhiều tài liệu nhưng sung sướng nhất, sảng khoái nhất là những giờ phút soạn thảo bản tuyên ngôn này”. Ngày 31/8/1945, Người bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập.
Và ngày mà nhân dân cả nước mong đợi đã đến. Ngày 2/9/1945, cả thủ đô Hà Nội bừng sáng, khắp mọi nẻo đường, con phố đều rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Từng dòng người hớn hở, tươi vui từ các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình để dự ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc trong lịch sử Việt Nam hiện đại. 13 giờ 30 ngày 2/9/1945, Bác từ Bắc bộ phủ tới Quảng trường Ba Đình. Bác bước lên lễ đài với cương vị là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Vào giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua “Tuyên ngôn độc lập” đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Người thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)
Những người may mắn có mặt tại buổi lễ trọng đại ngày 2-9-1945 lịch sử ấy hẳn sẽ không bao giờ quên không khí tưng bừng, náo nhiệt ở Quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ hoa, và cũng sẽ nhớ mãi từng lời, từng câu nói của Bác Hồ kính yêu. Khi Người sang sảng cất tiếng đọc Tuyên ngôn độc lập, cả biển người im phăng phắc lắng nghe, không bỏ sót một câu, một chữ nào.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Ảnh tư liệu)
Sau bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập như một bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, là biểu tượng cho chiến thắng của một dân tộc ngoan cường chống thực dân và phong kiến. Tuyên ngôn độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập của một chế độ Xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Từ đây, nhân dân ta đã thực sự trở thành người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh, con đường phát triển của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản quang vinh. Một kỷ nguyên đại mới tươi sáng được mở ra cho đất nước ta: kỷ nguyên của độc lập, tự do.
Nghiên cứu về bản Tuyên ngôn độc lập, Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã nhận định sâu sắc rằng: Khung cảnh lịch sử hoành tráng của mùa thu 1945 đã “hóa hồn” vào Tuyên ngôn và Tuyên ngôn tạc cái hồn ấy vào bia đá, trường tồn cùng năm tháng. Khi nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam nói lên tính chất lĩnh hội của cách mạng Việt Nam về quy luật sống của loài người. Ở đây, là Tuyên ngôn Độc lập của một nước trước đó là thuộc địa, một nước nông nghiệp nghèo. Ý nghĩa dân tộc bật nổi trong ý nghĩa quốc tế, khẳng định những gì mà lịch sử cả hành tinh đã khẳng định.
Dòng người vào Lăng viếng Bác. (Ảnh: bqllang.gov.vn)
Trong những ngày này, cả nước ta đang tưng bừng chào đón kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2-9. Kể từ ngày 2-9-1945 đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi, với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Việt Nam đang từng ngày vững bước tiến lên trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nhất là sau hơn 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Dù thời gian có trôi nhưng giá trị pháp lý và nhân văn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, là động lực để toàn thể dân tộc Việt quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” của dân tộc, xây dựng nước nhà hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Thu Hiền
Nguồn: hochiminh.vn