Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947. Ảnh tư liệu
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Ngay từ những năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu - Trung Quốc, Người đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Các học viên được học những kiến thức cơ bản về quân sự như: quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu gửi đi học ở Trường quân sự Hoàng Phố - Trung Quốc. Tháng 10 năm 1941, Người đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm có nhiệm vụ phối hợp mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Kinh nghiệm du kích Nga”…
Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên được biên chế thành một trung đội có 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin khi trao sứ mệnh chỉ huy cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bài diễn văn tại buổi thành lập của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”[2]. Lúc đầu, tuy lực lượng ít, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng sau một thời gian ngắn, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944). Những chiến công đó đã tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng lúc đó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân
Ngay từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến xây dựng đội quân chủ lực, từ tổ chức đến phương châm hành động, quan hệ giữa đội quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Về mặt tổ chức, Người cho rằng: phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo và coi trọng xây dựng con người với phương châm “Người trước, súng sau”. Trong xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người yêu cầu: phải có đầy đủ các thành phần dân tộc, vùng miền, người địa phương nào cũng có để nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi. Quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Phải dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”[3]. Xây dựng đội quân chủ lực trước hết là về phẩm chất chính trị phải vững chắc, tư tưởng cách mạng đúng đắn, để có thể đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, tin tưởng và đi theo cách mạng. Theo Người, quân sự phải phục tùng chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[4].
Về nghệ thuật quân sự, phải huy động“tập trung lực lượng” coi đây là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chiến tranh. Nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; sử dụng đa dạng các hình thức tác chiến: kết hợp đánh du kích với đánh tập trung; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Về phương thức tuyển chọn, huấn luyện, xây dựng lực lượng, Người chỉ rõ: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”[5]. Thực hiện tư tưởng kháng chiến toàn dân, Người đã chỉ rõ: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”[6]. Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, truyền thống đoàn kết chiến đấu trong dựng nước và giữ nước; đồng thời vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử… Về phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang, Người xác định: Phải kết hợp quân sự với chính trị; về chiến thuật phải vận dụng lối đánh du kích, về nguyên tắc hành động của quân đội, phải đánh thắng trận đầu: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải không ngừng xây dựng, phát triển lực lượng, làm cho đội quân nhỏ bé ban đầu tiến lên nhanh chóng, trở thành một đội quân hùng mạnh. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân tố quyết định đến sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[8]. Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển cần phải tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Quân đội ta luôn lấy việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu, thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị.
Về xây dựng bản chất của Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: Quân đội ta là Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Người luôn căn dặn đoàn kết “quân với dân như cá với nước”. Đó là bản chất của quân đội cách mạng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh. Là quân đội của nhân dân, “Bộ đội Cụ Hồ” phải sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, nhưng tuyệt đối “không động đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”[9]. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển, đảo đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải có những đối sách phù hợp, trên cơ sở kiên định, nhất quán với chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, quân đội nhân dân càng phải thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, càng phải vận dụng sáng tạo hơn nữa những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển quân đội. Thực tiễn đã chứng minh qua 78 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội luôn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của dân tộc; cùng với toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất; bảo vệ thành quả cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng sinh ra từ một dân tộc anh hùng.
(Theo TS. Minh Dương – Học viện CTQG Hồ Chí Minh/hochiminh.vn)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435.
[2] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977.
[3] Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.130-133.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.217.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.539.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.539.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.539.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.435.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.16