Nếu thiếu các chính sách đồng bộ sẽ khó khôi phục thị trường du lịch. (Trong ảnh: Phố cổ Hội An những ngày vắng khách) Ảnh: VINH HỒ
Chương trình sẽ thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan đến du lịch nhằm khôi phục thị trường nội địa. Đồng thời, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
Theo chương trình hoạt động truyền thông sẽ được đẩy mạnh nhằm quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; thông tin về việc các địa phương mở cửa lại du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch của các địa phương. Giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ. Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở VHTTTTDL tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý.
Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch là đầu mối phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác; thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực. Đề nghị các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải du lịch xem xét có chính sách giảm giá vé để cùng với các doanh nghiệp du lịch, điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, với giá ưu đãi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động là sự “kích hoạt” kịp thời để các địa phương và một số địa bàn du lịch trọng điểm tìm kiếm cơ hội, đề ra những giải pháp quan trọng nhằm “chinh phục” du khách nội địa. Nói cách khác, đây thực sự là cơ hội để ngành du lịch vực dậy sau một thời gian ngắn “ngủ đông” vì đại dịch với những cách làm đột phá, hấp dẫn theo hướng “mọi cái đều tốt nhất”: Giá rẻ nhất; cách phục vụ tốt nhất; địa điểm hấp dẫn nhất...
Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ về phát triển du lịch nội địa trong thời gian tới. Trong ảnh: Một góc bãi biển ở Đà Nẵng sau khi được dỡ lệnh "cấm biển" Ảnh: T.Q.D
Cần có chính sách kích cầu du lịch
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Bộ VHTTDL khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông về điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn. Đẩy mạnh du lịch nội địa, chủ động tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp”. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào sáng 9.5, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng: “Cần tạo ra các tam giác phát triển ở các vùng miền để liên kết phát triển, kích cầu du lịch các địa phương. Trong đó, khu vực miền Bắc có Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; miền Trung có Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam và nối với Tây Nguyên là tam giác: Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk; miền Nam có TP.HCM - Bà Rịa Vũng Tàu - ĐBSCL”. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị các địa phương giảm 50% phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, vì 85% khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không nên đại diện doanh nghiệp của ngành Du lịch cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chọn lọc, mở lại các đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay. Ngoài việc đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, triển khai có hiệu quả Chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn”, ông Kỳ cũng nêu kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thời gian cho học sinh nghỉ hè trong năm nay (kéo dài 4-5 tuần) vì mùa du lịch hè là “thời cơ vàng” để góp phần đưa ngành Du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Để việc khôi phục du lịch sớm phát huy hiệu quả, Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thống nhất chủ trương mở cửa các điểm tham quan du lịch và dịch vụ, có chính sách hỗ trợ khách du lịch như miễn, giảm vé tham quan; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách tại các điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch. Trong quá trình tổ chức tour, các đoàn khách du lịch luôn được các doanh nghiệp du lịch quản lý chặt chẽ, có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách, do vậy nếu hạn chế số lượng mỗi đoàn không quá 30 người là chưa phù hợp với việc thu hút khách du lịch. HHDL Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho tăng lượng người trong mỗi đoàn khách lên 60 người đối với khách du lịch nội địa.
Tại Hội nghị quan trọng này, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác liên ngành do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu cùng sự tham gia của lãnh đạo các địa phương để lập tức thúc đẩy du lịch phát triển. Trong thời gian tới, cần có chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của toàn ngành Du lịch cũng như các Bộ, ngành liên quan. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách kịp thời và đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, đưa ngành Du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19 Việt Nam vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel + Leisure bình chọn vào tốp điểm đến hàng đầu thế giới sau dịch Covid-19, bởi lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giá cả hợp lý và đang kiểm soát tốt tình hình dịch. Theo tạp chí này, Việt Nam là quốc gia giàu văn hóa, sôi động với những bãi biển nhiệt đới tuyệt đẹp và ẩm thực đường phố hấp dẫn. Trong tốp các điểm đến du lịch do tạp chí này bình chọn còn có Philippines, Santorini (Hy Lạp), Rome (Italia), London (Anh) và Paris (Pháp)… Việc được tạp chí du lịch quốc tế uy tín bình chọn cho thấy sức thu hút của các điểm đến Việt Nam với khách quốc tế. H.N |
Nguồn: Nguyễn Anh - Báo Văn hóa