Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng (phải) đón và tặng hoa cho đoàn famtrip quốc tế đến Phú Yên khảo sát sản phẩm du lịch - Ảnh: PYO |
Tôn trọng cộng đồng và môi trường
Các thông điệp hàng năm mà UNWTO đưa ra đều gắn sự phát triển của ngành Du lịch đối với kinh tế, xã hội và môi trường sống, kêu gọi mọi người trên thế giới quan tâm đến sự phát triển bền vững. Ngày Du lịch thế giới năm nay, thông điệp mà UNWTO đưa ra là “Du lịch bền vững - Cách thức để phát triển”. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố năm 2017 là Năm quốc tế về du lịch bền vững vì sự phát triển.
UNWTO đặt vấn đề, năm 2016, đã có 1,235 tỉ lượt người đi du lịch quốc tế. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ là 1,8 tỉ lượt khách du lịch quốc tế. Khi chúng ta kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới năm 2017, câu hỏi là liệu chúng ta có thể đưa lực lượng có sức mạnh chuyển đổi toàn cầu, 1,8 tỉ cơ hội này, đóng góp cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và thúc đẩy sự phát triển bền vững trên cả năm trụ cột: Kinh tế - tạo ra sự tăng trưởng bao trùm; xã hội - mang lại cơ hội việc làm bền vững và trao quyền cho các cộng đồng; môi trường - bảo tồn, làm giàu môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; văn hóa - tôn vinh, bảo tồn tính đa dạng, bản sắc, văn hóa vật thể và phi vật thể; hòa bình - điều kiện tiên quyết cơ bản đối với sự phát triển và tiến bộ.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục phát triển, tăng trưởng mạnh qua từng năm, đóng góp đáng kể vào GDP đất nước. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Phú Yên, một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng xuất phát điểm thấp, chậm hơn so với nhiều địa phương trong cả nước. Để du lịch phát triển phù hợp với xu thế của thời đại, thế giới, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định: Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”. Đến năm 2020 đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế; thu nhập du lịch đạt khoảng 3.000 tỉ đồng; có trên 250 cơ sở lưu trú du lịch với 5.800 buồng, trong đó có khoảng 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.000 người, có từ 70-80% lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.
Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của ngành Du lịch trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra trong chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch triển khai của UBND tỉnh và của ngành thì rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tích cực tham gia của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân… Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu, sản phẩm mang tính đặc trưng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch…
Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai kêu gọi: “Ngày Du lịch thế giới, bất kể khi nào, bất kể nơi đâu khi các bạn đi du lịch, xin hãy nhớ: Tôn trọng tự nhiên, tôn trọng nền văn hóa, tôn trọng cộng đồng đón khách. Các bạn có thể thay đổi cách các bạn muốn nhìn nhận thế giới. Các bạn có thể là đại sứ cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đi du lịch, tận hưởng và tôn trọng!”.
(Theo PYO)