Tiềm năng và triển vọng đầu tư
(10/11/2015)

 

TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA TỈNH

Phú Yên là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên 506.057ha, chiếm 1,53% diện tích cả nước, với 9 đơn vị hành chính gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và 7 huyện: Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Đông Hòa. Phú Yên có địa hình đa dạng vừa có biển, vừa có đồng bằng, trung du và miền núi. Vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, Nam giáp Khánh Hoà, Tây giáp Đắc Lắc và Gia Lai, Đông giáp biển Đông. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua, quốc lộ 25 nối Gia Lai, quốc lộ 29 nối Đắc Lắc, phía Nam có cảng biển nước sâu Vũng Rô có thể đón nhận tàu trọng tải 30 nghìn DWT và đang khảo sát để xây dựng cảng Bãi Gốc có thể tiếp nhận tàu 250.000 tấn; sân bay Tuy Hoà nằm gần trung tâm thành phố có thể tiếp nhận máy bay cỡ lớn hoạt động. Ngoài ra, Phú Yên có vị trí thuận lợi nhất cho việc mở đường sắt Đông Tây, nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và vùng ba biên giới Lào - Campuchia - Đông Bắc Thái Lan; đây là tuyến ít đèo dốc nhất so với các tuyến khác ở miền Trung Việt Nam. Với các điều kiện này, tỉnh Phú Yên đảm bảo các yếu tố để trở thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên theo như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, Tỉnh đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích hơn 20.000 ha, với trọng tâm là lọc, hóa dầu gắn với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hoà theo hướng đa ngành, đa chức năng; là cực phát triển quan trọng, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Trên địa bàn Tỉnh hiện có 5 Khu công nghiệp tập trung, diện tích 1.462ha và các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 10-20ha ở các huyện và có 03 khu công nghiệp đã được quy hoạch đang kêu gọi đầu tư với diện tích 754ha.

Về đất đai

Phú Yên có diện tích tự nhiên rộng 506.057ha, bao gồm 121.727 ha đất nông nghiệp, 256.334 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên chiếm 130.000 ha, rừng trồng khoảng 6.000ha (đảm bảo lượng gỗ khai thác 50% là gỗ từ rừng trồng, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 8.000 m3). Đất chuyên dùng chiếm 14.161 ha, đất thổ cư là 5.896 ha và đất trống chưa sử dụng là 77.617 ha.

Khoáng sản

Khoáng sản Phú Yên đa dạng, một số loại có trữ lượng lớn: Diatomite (90 triệu m3), đá hoa cương (54 triệu m3), vàng sa khoáng, fluorit (300 nghìn tấn), cát vàng… thuận lợi để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Phần lớn các tài nguyên khoáng sản này có chất lượng cao, dễ khai thác và vận chuyển. Ngoài ra, còn có các mỏ suối nước khoáng nóng: Phú Sen (huyện Phú Hoà), Triêm Đức, Trà Ô (huyện Đồng Xuân), Lạc Sanh (huyện Tây Hoà) có tác dụng chữa bệnh tốt.

Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Mạng lưới sông suối ở Phú Yên thường ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn với ba con sông chính gồm: sông Ba có tổng lượng dòng chảy hàng năm là 9,7 tỷ m3; sông Bàn Thạch 0,8 tỷ m3/năm; sông Kỳ Lộ là con sông lớn thứ 2 trong tỉnh, diện tích lưu vực sông Kỳ Lộ là 1.950 km2, trong đó phần trong tỉnh là 1.560 km2.

Nguồn nước ngầm: Trữ lượng tự nhiên với tiềm năng khai thác có thể đạt tới 1,2027 x 106 m3/ngày, là điều kiện thuận lợi mà không phải bất kỳ tỉnh duyên hải miền Trung nào cũng có được.

Nước khoáng: Nguồn tài nguyên nước khoáng ở Phú Yên khá phong phú, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được điều tra, đánh giá một cách đầy đủ và hệ thống khoa học để khai thác hợp lý. Riêng nguồn nước khoáng Phú Sen từ 1996 đã được khai thác để chế biến với công suất 7,5 triệu lít/năm, đến nay công suất khai thác nguồn nước khoáng này là 10 triệu lít/năm.

Tài nguyên biển

Bờ biển Phú Yên dài gần 189 km, khúc khuỷu, có nhiều dải núi kéo dài ra phía biển hình thành các eo vũng, vịnh, đầm. Cùng với các vùng bãi triều nước lợ, cửa sông giàu dinh dưỡng, tạo nên một số vùng sinh thái đặc trưng như: vùng cửa sông, vùng đầm phá và vùng vịnh. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.

Vùng biển khai thác có hiệu quả của Phú Yên rộng khoảng 6.900 km2, nằm trong vùng biển đa dạng về loài cá và các loại hải sản khác có giá trị xuất khẩu và là mặt hàng cao cấp như: cua huỳnh đế, tôm hùm, ghẹ, sò…

Ven bờ biển Phú Yên có một số hòn đảo lớn nhỏ: hòn Lao, hòn Yến, hòn Chùa… Quanh các đảo là nơi cá đẻ và sinh trưởng. Cùng với địa thế đầm vịnh, ngoài ý nghĩa về phát triển nuôi trồng thuỷ sản còn tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

Nguồn nhân lực

Phú Yên có nguồn lao động được đào tạo dồi dào. Dân số đầu năm 2015 trung bình là 887.374 người. Số lao động trong độ tuổi lao động khoảng 530.716 người. Lực lượng lao động được đào tạo nghề đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Du lịch

Phú Yên có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, có nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như: Đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Long Thủy, Bãi Tiên, Bãi Môn, Bãi Xép…, có những gành đá nổi tiếng như: Gành Đá Đĩa, gành Đỏ, gành Dưa, gành Yến và nhiều đảo nhỏ ven bờ như: Nhất Tự Sơn, hòn lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Than, hòn Yến, hòn Dứa, hòn Nưa… với những rạn san hô thích hợp với lặn biển và nhiều loại đặc sản biển thuận lợi cho phát triển các khu du lịch.

Cùng với tài nguyên du lịch tuyến biển, rừng núi Phú Yên cũng có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hấp dẫn. Đặc biệt, Phú Yên có các nguồn nước khoáng nóng rất thích hợp cho việc tắm chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng như: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức…

Bên cạnh những tài nguyên thiên nhiên, Phú Yên cũng có rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa, cơ sở tôn giáo lâu đời như: Đá đĩa, Vũng Rô, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Tháp Nhạn, Chùa Tổ, chùa Bảo Tịnh, chùa Hồ Sơn, nhà thờ Mằng Lăng… với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan của cư dân miền biển, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ hội mùa…của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi diễn ra trong âm thanh vang vọng của các loại nhạc cụ độc đáo như: cồng ba chiêng năm-trống đôi, tù và đàn sáo… Đặc biệt là hai nhạc cụ độc đáo: đàn đá và kèn đá có niên đại cách nay khoảng 2.500 năm.

ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG THỜI GIAN TỚI

Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới của Tỉnh đang tập trung vào 04 giải pháp đột phá: (1) Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên và xúc tiến đầu tư các dự án lớn về du lịch; tạo điều kiện để Nhà máy lọc, hóa dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động. (2) Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng. (3) Tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. (4) Bốn là, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư cởi mở, lành mạnh.

Đầu tư phát triển khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lấy nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô làm động lực để thu hút đầu tư, lấp đầy các khu chức năng trong khu kinh tế như khu công nghiệp Hòa Tâm, các khu công nghiệp đa ngành; khu phi thuế quan, khu công nghệ cao,…; trong đó, chú trọng các ngành công nghiệp sau lọc dầu và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng Tiểu khu kinh tế Đông Bắc Sông Cầu gắn với khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Bình Định; trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư phát triển vào các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế như: công nghiệp (các dự án sau công nghiệp lọc dầu; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp năng lượng sạch, tái tạo; công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản); dịch vụ - du lịch (dịch vụ cảng, dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển, logistic, thương mại, giáo dục-đào tạo, y tế, dịch vụ công nghệ thông tin và du lịch, đặc biệt chú trọng du lịch biển); nông-lâm-ngư nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, cởi mở, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư; Tạo thuận lợi nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lập thủ tục và triển khai hoạt động đầu tư với thời gian ngắn nhất. Đồng thời áp dụng các gói hỗ trợ ngoài hàng rào các dự án, nhất là các dự án lớn, quan trọng. Phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư một cách kịp thời và có hiệu quả. Đối với các dự án lớn, UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh việc triển khai dự án đã đăng ký.

Tỉnh Phú Yên đang tập trung vận động thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ngoài tỉnh, các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, lợi thế về trình độ quản lý đầu tư. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các đối tác truyền thống như Nga, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Lào, Nhật Bản… trong giai đoạn tới, cần tập trung thu hút dự án của các đối tác có tiềm lực tài chính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông, Pháp, Đức…

Chú trọng nghiên cứu thị trường, thông qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh để quảng bá hình ảnh Phú Yên đến các nước và xem đây là kênh thông tin quan trọng để mở rộng thắt chặt quan hệ với các nước. Đồng thời, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, hoạt động kinh tế đối ngoại mở rộng đối tác, nhất là các lĩnh vực mà Phú Yên có thế mạnh.

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: