Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia
Lịch sử văn hóa
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (13/06/2018)
- Đặc điểm dễ nhận thấy ở nhóm hiện vật Khe Ông Dậu cũng như các địa điểm khảo cổ học giai đoạn Tiền - Sơ sử ở Phú Yên là đồ đá chủ yếu là loại hình công cụ cuội nguyên và xuất hiện với số lượng không nhiều. Đồ gốm chủ yếu là các loại đồ đựng kích cỡ lớn, thông dụng loại đồ đựng không có chân đế. Những điều đó cho thấy cư dân Khe Ông Dậu và mở rộng hơn là khu vực ven biển Phú Yên có một phương thức khai thác kinh tế khác với các khu vực lân cận. Với phương thức khai thác các nguồn lợi thủy hải sản ở vùng ven biển hay các khu vực đầm phá nước lợ, đảm bảo cho họ một cuộc sống khá ổn định. Nhu cầu về đồ đá không lớn, chủ yếu sử dụng để ghè đập các loại sò ốc... Nhu cầu tích trữ lương thực không lớn bởi họ có một nguồn lợi thủy hải sản khá dồi dào.

Phương thức săn bắt, hái lượm cũng được ánh xạ qua một số mẫu xương răng động vật thu được trong hố khai quật.

- Nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu đã phân chia thành hai khu vực Sa Huỳnh Bắc và Sa Huỳnh Nam, lấy ranh giới giữa Phú Yên và Bình Định là địa vực phân bố của hai loại hình địa phương. Tuy vậy đến nay, các địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh ở Phú Yên được khai quật nghiên cứu chưa nhiều, đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hiện diện chưa thực rõ ràng. Kết quả khai quật nghiên cứu di chỉ Khe Ông Dậu đã đóng góp thêm tư liệu góp phần nghiên cứu sâu hơn về giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh ở Phú Yên.

- Văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực Nam Trung Bộ được ghi nhận với tuyến phát triển từ văn hóa Xóm Cồn đến Sa Huỳnh ở Khánh Hòa. Tuy nhiên giữa hai giai đoạn văn hóa này có một khoảng cách khá xa, những dấu hiệu phát triển trực tiếp là khá mờ nhạt. Do đó những tư liệu thu được trong đợt khai quật này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn sự phát triển của văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực này.

- Qua những nghiên cứu đối sánh với những di tích giai đoạn tiền - sơ sử ở Phú Yên, có thể nhận thấy di chỉ Khe Ông Dậu có sưu tập hiện vật gốm khá tương đồng với những sưu tập hiện vật đã được khai quật nghiên cứu trước đây ở các di tích Gò Ốc và di tích Cồn Đình, đặc biệt là sự tương đồng trong nhóm hoa văn ấn mép vỏ sò. Đối với di tích Gò Bộng Dầu đã được xác định là một địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn muộn, nhóm đồ gốm cũng có sự tương đồng khá cao với di chỉ Khe Ông Dậu, thể hiện ở nhóm hoa văn in mép vỏ sò và các loại nồi gốm vai gãy có kích cỡ trung bình. Như vậy bước đầu có thể phác họa một hệ thống các di tích có sự quan hệ nguồn gốc, nó tạo nên một tuyến phát triển từ Cồn Đình, Gò Ốc đến Khe Ông Dậu và rừng Long Thủy để tiến lên văn hóa Sa Huỳnh thời đại sắt. Cuộc khai quật góp thêm tư liệu khẳng định văn hóa Sa huỳnh có sự phát triển đa tuyến, có sự hội nhập văn hóa để tạo thành một dòng chảy chung, phát triển rực rỡ trong thời đại đồ sắt ở khu vực miền Trung Việt Nam.

- Di chỉ Khe Ông Dậu có vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn tiền - sơ sử ở Phú Yên nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Di tích khảo cổ Bàu Sấu (thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm)

Năm 2002, Viện khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Phú Yên đã phối hợp khảo sát di tích Bàu Sấu nằm ở thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, xử lý 96 mảnh vỡ có 12 mảnh miệng, 84 mảnh thân; 85 mảnh không có hoa văn, 11 mảnh có hoa văn: Trong đó, 10 mảnh có hoa văn khắc vạch, 01 mảnh in kiểu mép vỏ sò, phần lớn hoa văn đã bị mờ, chất liệu, kỹ thuật chế tác: Các mảnh gốm thu được ở Bàu Sấu đều có màu vàng pha nhiều cát thô, có độ dày 0,5cm, có hai mảnh dày từ 1cm - 1,2cm. Một số mảnh gốm có phủ một lớp áo mịn bên ngoài. Di tích Bàu Sấu nằm gần chân núi Đá Bia, cách bờ biển khoảng 20m. Các mảnh gốm thu được tại Bàu Sấu thuộc loại hình nồi, vò, chén, bình, chum... Căn cứ vào các mảnh gốm, chúng ta có thể có kết luận bước đầu: đây là một di tích văn hóa Sa Huỳnh muộn có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm, là một di tích thuộc thời kỳ tiền sơ sử ở Phú Yên.

Di tích lịch sử Hang Vàng (thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm)

Hang Vàng nằm ở chân núi Đá Bia, cách di chỉ Bàu Sấu khoảng 100m về hướng nam. Hang được tạo bởi các khối đá lớn chồng lên nhau. Ngang trước cửa hang là một khối đá lớn nằm nghiêng tạo nên một mái đá có diện tích khoảng 10m². Từ cửa hang đi vào phải qua nhiều khe hẹp, sau đó liên tiếp các vòm hang rộng khoảng 2m²-3m². Theo lời kể của các cụ già ở trong làng, hang này trước đây là nơi dấu vàng của người Hời (Chăm). Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Hang Vàng là căn cứ địa cách mạng của huyện Tuy Hòa. Địa điểm này, từng là nơi cất giấu vũ khí đạn dược của đoàn tàu Không số. Từ Hang Vàng, vũ khí được chuyển vào cực nam, lên căn cứ miền tây và các xã đồng bằng, góp phần to lớn vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

(Nguồn: baophuyen.com.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: