Hô bài chòi trong lễ hội dân gian ở Phú Yên - Ảnh: PYO |
Tự hào khi bài chòi là di sản văn hóa
Thời khắc đón nhận tin vui nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Nguyễn Đình Thoảng (nghệ danh Bình Thảng) ở khu phố Phú Thọ 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) vui mừng nói: “Nghe tin bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, không những tôi mà tất cả những người yêu nghệ thuật này đều cảm thấy vui mừng khôn xiết”. Là người gắn bó với bài chòi gần suốt cả đời người, nghệ nhân Bình Thảng không giấu nổi niềm vui ấy trên khuôn mặt. Bằng tình yêu bài chòi và mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đã thôi thúc ông không ngại vất vả truyền dạy cho lớp trẻ.
Tin vui nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được lan truyền rộng rãi khắp các ngõ ngách từ đội nhóm đến CLB Bài chòi đàn hát dân ca trên địa bàn tỉnh. Ông Phùng Long Ẩn (nghệ danh Hoàng Long), Chủ nhiệm CLB Bài chòi Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ dân tộc thiểu số Phú Yên, thổ lộ: “Khi nghe tin bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mọi người trong CLB mừng lắm. Việc này như “trợ sức” để các thành viên trong CLB có thêm động lực để luyện tập, đem những làn điệu bài chòi qua lời ca tiếng hát của mình đến với đông đảo bà con”. Hiện CLB Bài chòi Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ dân tộc thiểu số Phú Yên có khoảng 10 thành viên. Vì yêu thích nên họ đã tự nguyện dành thời gian để được đàn, được hát cùng nhau vào những giây phút nông nhàn. Thời gian CLB hoạt động sôi nổi nhất bắt đầu từ mùng một Tết Nguyên đán đến ngày lập hạ và vào các dịp lễ hội cầu ngư của bà con dân làng chài.
Hội bài chòi được tổ chức tại TP Tuy Hòa - Ảnh: PYO |
Không chỉ những người gắn bó lâu dài với nghệ thuật bài chòi mà những người trẻ cũng tỏ ra phấn khích trước việc UNESCO công nhận Bài chòi Trung Bộ được người dân lưu truyền đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Anh Nguyễn Duy Vinh (SN 1992), Chủ nhiệm CLB Bài chòi An Phú (TP Tuy Hòa), ngồi tựa vào chiếc ghế, nhịp chân hát cho chúng tôi nghe những làn điệu bài chòi “Nhớ vợ hiền”. Sau một lúc bồi hồi, xúc động, anh Vinh chia sẻ: “Nghệ thuật bài chòi đã ăn sâu vào truyền thống của gia đình tôi. Từ nhỏ, tôi đã được nghe cha mẹ hát bài chòi từ những bài hát ru. Vì vậy, khi bài chòi được vinh danh là một điều vinh hạnh và đáng trân trọng”.
Phát huy vốn quý dân tộc
Bài chòi Trung Bộ là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học; gắn liền với người dân lao động, được lưu truyền hàng trăm năm nay. Do xuất phát từ những người dân lao động nên các câu hát, câu hò trong bài chòi hầu hết theo thể lục bát giàu tính truyền cảm, dễ nhớ. Qua đó, người dân có thể gửi gắm tình cảm, tâm tư nguyện vọng của mình trong từng câu hát.
Ông Phan Thanh Kính, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ Trung tâm Văn hóa Phú Yên bày tỏ: “Bài chòi là sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị rất đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân miền Trung. Vì vậy khi nghệ thuật bài chòi được tôn vinh, không những người trong giới văn nghệ sĩ, mộ điệu mà tất cả người con Việt Nam đều cảm thấy vui mừng. Tuy nhiên, để gìn giữ và bảo tồn vốn quý của dân tộc cần có nhiều giải pháp hơn nữa như: tổ chức các đợt thi, hội diễn ở các địa phương, giúp thế hệ trẻ được tiếp cận và hiểu biết hơn về môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này”.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái cho biết: “Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân lao động. Trong những dịp lễ tết, ngoài tổ chức hát bài chòi để người dân tham gia sinh hoạt, diễn xướng, Sở VH-TT-DL Phú Yên còn tổ chức hát bài chòi để phục vụ khách du lịch, đồng thời coi đây là một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương tại một số địa điểm du lịch. Nhằm phát huy vốn quý của dân tộc, ngành Văn hóa đã và sẽ có chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân bài chòi, tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng cùng chung tay bảo tồn nghệ thuật bài chòi.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa) được UNESCO chính thức ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào lúc 15 giờ 15 ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra ở Jeju, Hàn Quốc.
|
Theo PYO