Ảnh minh họa
Theo nhiệm vụ được giao cho các đơn vị tại Kế hoạch này, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh chủ động nghiên cứu và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai từng bước hoạt động đại lý ngân hàng; ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được mở các điểm cung ứng dịch vụ qua đại lý tại những nơi mật độ chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng còn thấp.
Đồng thời, nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (như các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, bưu điện, trạm xăng, mạng lưới của các tổ chức viễn thông, mạng lưới của một số tổ chức khác không phải ngân hàng…) trở thành đại lý của ngân hàng nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi các điểm cung ứng dịch vụ tài chính. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững. Phát triển các dịch vụ ngân hàng của QTDND theo hướng tập trung cho vay vốn đối với các thành viên của QTDND, mở rộng tín dụng đi đôi với việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, đa dạng hóa các phương thức huy động vốn của QTDND, nhất là các khoản tiền gửi nhỏ.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh cũng phối hợp chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính... triển khai các chương trình nhằm cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về lợi ích, chi phí, rủi ro cùng phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính; tăng cường kiến thức tài chính cho khách hàng vay, đặc biệt là quyền được tiếp cận và bảo vệ thông tin tín dụng; minh bạch hóa cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính…
Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, học tập mô hình Quỹ Đầu tư phát triển địa phương của các tỉnh, để xây dựng Đề án thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương tỉnh Phú Yên theo chủ trương của UBND tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm. Hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tăng cường xã hội hóa việc hỗ trợ, tham gia đóng góp nguồn lực tài chính trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô.
Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính và trong hoạt động ngân hàng điện tử ở địa phương; đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện và tình hình thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.
Mỹ Luận