Tổ chức lại sản xuất trên biển nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng khai thác ổn định và bền vững, coi trọng chất lượng tăng trưởng, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng sản phẩm khai thác, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Phát triển mạnh đội tàu trên 400CV hoạt động ở vùng khơi, đánh bắt có chọn lọc, đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế. Chú trọng đổi mới, cải thiện và du nhập một số ngư cụ khai thác theo hướng nâng cao hiệu quả từng bước hiện đại hóa nghề cá. Giảm cường độ khai thác vùng ven bờ. Từng bước giảm số tàu dưới 90CV, đặc biệt là đội tàu dưới 20CV và những nghề có tính chọn lọc kém, khai thác huỷ diệt, tận thu, khai thác bất hợp pháp, kém hiệu quả ở vùng ven bờ. Chuyển đổi nghề cho một bộ phận ngư dân sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, chế biến thủy sản và một số nghề thích hợp khác. Phát triển khai thác hiệu quả đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường chỉ đạo khai thác theo ngư trường, mùa vụ và tập trung sản xuất theo tổ đội, theo nghề. Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân bằng việc tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, thường xuyên thả bổ sung giống thủy sản về với tự nhiên nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, tổ/đội, hợp tác xã, liên kết chuỗi trong khai thác thuỷ sản. Từng bước phát triển đội tàu dịch vụ, thu mua, bảo quản và sơ chế sản phẩm trên biển để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho các đội tàu đánh bắt. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn: Hỗ trợ của Trung ương, ODA, các nguồn vốn vay và vốn của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Mục tiêu phát triển
Mục tiêu chung: Khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế và tiềm năng để phát triển khai thác thuỷ sản và cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá góp phần vào việc ổn định kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ quyền Tổ quốc. Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản nhằm giảm cường độ khai thác, duy trì sản xuất bền vững, từng bước nâng cao năng suất khai thác, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Phát triển khai thác theo hướng hiện đại hóa, giảm dần số tàu nhỏ ven bờ, những nghề khai thác huỷ diệt, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Phân chia mặt nước và phân cấp quản lý để nâng cao trách nhiệm và ý thức tự chủ của từng cấp quản lý.
Một số chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020, tổng số tàu thuyền đánh cá khoảng 4.150 chiếc, trong đó: Tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên là 1.400 chiếc (tăng 7,3%/năm), tàu thuyền có công suất 20-90 CV là 800 chiếc (giảm 6,0%/năm), tàu thuyền có công suất dưới 20CV là 1.950 chiếc (giảm 1,3%/năm). Tổng công suất đạt khoảng 290.000CV, trong đó: Công suất của đội tàu đánh bắt xa bờ là 215.000CV (tăng 7,2%/năm), công suất của đội tàu 20-90CV là 44.000 CV (giảm 1,3%/năm), công suất của đội tàu dưới 20CV là 31.000CV (giảm 1,2%/năm). Đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển là 70 chiếc (tăng 3,5%/năm). Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt khoảng 55.000 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác thuỷ sản ven bờ là 10.500 tấn (giảm 0,6%/năm). Tổng giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 2,0%/năm). Giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động đánh cá, trong đó: lao động đánh cá ven bờ khoảng 6.000 người (giảm 0,8%/năm).
Đến năm 2025: Tổng số tàu thuyền đánh cá giữ ổn định khoảng 4.100 chiếc, trong đó: tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên là 1.700 chiếc (tăng 4,0%/năm), tàu thuyền có công suất 20-90CV là 600 chiếc (giảm 5,6%/năm), tàu thuyền có công suất dưới 20CV là 1.800 chiếc (giảm 1,6%/năm). Tổng công suất đạt khoảng 335.000CV, trong đó: Công suất của đội tàu đánh bắt xa bờ là 265.000CV (tăng 4,3%/năm), công suất của đội tàu 20-90 CV là 42.000 CV (giảm 0,9%/năm), công suất của đội tàu dứoi 20CV là 28.000CV (giảm 2,0%/năm). Đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển là 80 chiếc (tăng 2,7%/năm). Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt khoảng 56.000 tấn, trong đó: sản lượng khai thác thuỷ sản ven bờ là 10.000 tấn (giảm 1,0%/năm). Tổng giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản đạt 2.300 tỷ đồng (tăng 2,8%/năm). Giải quyết việc làm cho khoảng 29.000 lao động đánh cá, trong đó: lao động đánh cá ven bờ khoảng 5.500 người (giảm 1,7%/năm).
Đến năm 2030: Tổng số tàu thuyền đánh cá giữ ổn định khoảng 4.000 chiếc, trong đó: tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên là 1.800 chiếc (tăng 1,1%/năm), tàu thuyền có công suất 20-90CV là 700 chiếc (tăng 3,1%/năm), tàu thuyền có công suất dưới 20CV là 1.500 chiếc (giảm 3,6%/năm). Tổng công suất đạt khoảng 350.000CV, trong đó: công suất của đội tàu đánh bắt xa bờ là 285.000CV (tăng 1,5%/năm), công suất của đội tàu 20-90CV là 41.000 CV (giảm 0,5%/năm), công suất của đội tàu dưới 20CV là 24.000CV (giảm 3,0%/năm). Đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển là 90 chiếc (tăng 2,4%/năm). Sản lượng khai thác thuỷ sản giữ ổn định ở mức khoảng 56.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác thuỷ sản ven bờ là 9.500 tấn (giảm 1,0%/năm). Tổng giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản đạt 2.600 tỷ đồng (tăng 2,5%/năm). Giải quyết việc làm cho khoảng 28.000 lao động đánh cá. Trong đó, lao động đánh cá ven bờ khoảng 5.000 người (giảm 1,9%/năm).
Quy hoạch khai thác thủy sản
Năng suất, sản lượng khai thác: Đến năm 2025, giữ mức sản lượng khai thác thuỷ sản của toàn tỉnh khoảng 56.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản nội địa ổn định mức 300 tấn, sản lượng khai thác hải sản đạt 55.700 tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác thuỷ sản trong giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2020-2025 là 0,4%/năm, giai đoạn 2025-2030 duy trì ở mức ổn định so với giai đoạn 2020-2025.
Cơ cấu sản lượng khai thác thuỷ sản đến năm 2025, bao gồm: Cá chiếm 90,2%, trong đó cá ngừ đại dương chiếm 11,6% tổng sản lượng khai thác và 12,9% sản lượng cá; mực chiếm 4,4%; tôm chiếm 1,3% và thuỷ sản khác chiếm 4,1% tổng sản lượng khai thác của tỉnh.
Đến năm 2025, sản lượng khai thác thuỷ sản ven bờ đạt khoảng 10.000 tấn, chiếm khoảng 17,9% tổng sản lượng khai thác thuỷ sản. Đến năm 2030, đạt khoảng 9.500 tấn, chiếm khoảng 17,0% tổng sản lượng khai thác thuỷ sản.
Giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,0%/năm; giai đoạn 2020-2025 đạt 2,8%/năm và giai đoạn 2025-2030 đạt 2,5%/năm.
Tàu thuyền khai thác thuỷ sản: Đến năm 2025 đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán khoảng 717 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, đồng thời cắt giảm, chuyển đổi khoảng 775 tàu cá có công suất dưới 90 CV hoạt động ven bờ để đảm bảo số tàu thuyền đánh cá từ 4.158 chiếc (năm 2015) giảm xuống 4.100 chiếc (năm 2025). Đến năm 2025 cần cắt giảm, chuyển đổi khoảng 286 tàu thuyền nghề cá có công suất nhỏ dưới 20CV hoạt động khai thác ven bờ để đảm bảo số tàu thuyền đánh cá ven bờ từ 2.086 chiếc (năm 2015) giảm xuống 1.800 chiếc (năm 2025). Tập trung nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, cải hoán các loại tàu thuyền có công suất từ 90-150CV thành tàu công suất lớn hơn để tham gia khai thác xa bờ. Tập trung đóng mới các loại tàu có công suất trên 150CV, đặc biệt là đội tàu có công suất trên 400CV. Tập trung hình thành và phát triển đội tàu tham gia khai thác ở các vùng biển xa và hợp tác quốc tế, khoảng 50-70 chiếc làm các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường, được các nước cho phép hoạt động như nghề lưới rê khơi, nghề câu khơi, nghề lưới vây khơi, nghề chụp mực,... chủ yếu Sông Cầu và Tuy Hoà.
Cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản: Đến năm 2025, cắt giảm và chuyển đổi khoảng 306 tàu thuyền làm nghề lưới kéo, lưới vó, mành, nghề lưới rê ven bờ và nghề khác sang một số nghề có hiệu quả, có tiềm năng, thân thiện với môi trường như nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê khơi, nghề câu, nghề chụp mực, nghề lồng bẫy và một số nghề khác như dịch vụ thu mua, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản chủ yếu xếp theo các họ nghề chính, gồm: Lưới kéo; lưới vây, rùng; lưới vó, mành; lưới rê; nghề câu và nghề khác. Chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, nghề lưới rê khơi, nghề câu khơi, nghề chụp mực, giảm các nghề lộng như lưới vó, mành, nghề lưới kéo, xoá bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính huỷ diệt, sử dụng chất nổ, xung điện... Cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản đến năm 2025, bao gồm: Nghề lưới kéo chiếm 8,5%, nghề lưới vây chiếm 9,6%, nghề lưới rê chiếm 54,9%, nghề câu chiếm 15,5%, nghề lưới vó, mành chiếm 7,8% và các nghề khác chiếm 3,7% tổng số đơn vị nghề khai thác thuỷ sản toàn tỉnh.
Lao động khai thác thuỷ sản: Đến năm 2025, ổn định số lao động đánh cá ở mức 29.000 người. Trong đó, số lao động khai thác thuỷ sản trên các tàu thuyền có công suất dưới 20CV là 5.500 người, chiếm gần 19% tổng số lao động đánh cá toàn tỉnh. Bố trí sắp xếp việc làm cho số lao động đánh cá sau khi cắt giảm tàu thuyền, chuyển đổi nghề, mỗi địa phương cần căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm tình hình cụ thể để lựa chọn những giải pháp phù hợp, có hiệu quả nhất. Đối với làng, xã vùng cửa sông có điều kiện thuận lợi cho phát triển khai thác thủy sản, khuyến khích cải hoán tàu và chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề khai thác xa bờ. Đối với làng, xã vùng bãi ngang không có điều kiện phát triển khai thác, nhưng có vùng đất cát rộng lớn ven biển, duy trì những nghề khai thác có tính chọn lọc cao, không gây xâm hại nguồn lợi thủy sản, số còn lại khuyến khích chuyển sang nghề nuôi thuỷ sản hoặc mô hình trang trại tổng hợp. Đối với làng, xã ven đầm, hồ, số lao động đánh cá dôi ra có thể chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản tại đầm, hồ hoặc đào tạo để chuyển sang nghề thích hợp khác. Đối với làng, xã có nghề thủ công truyền thống hoặc có quỹ đất phát triển rừng hoặc cây công nghiệp, có thể đầu tư chuyển sang nghề còn tiềm năng.
Quy hoạch dịch vụ hậu cần nghề cá
Cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu cá: Đến năm 2025, cần tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng mới một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu dịch vụ hầu cần nghề cá sau: Đối với cấp tỉnh: xin hỗ trợ vốn của Trung ương, vốn ODA đầu tư xây dựng cảng cá Đông Tác thành cảng cá loại I (Cảng cá Ngừ chuyên dụng) đưa vào sử dụng trước năm 2020. Đầu tư nâng cấp, đồng bộ các hạng mục công trình, nạo vét luồng lạch cảng cá Tiên Châu (Tuy An) giai đoạn 2017-2020 và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác. Đối với các huyện, thị xã, thành phố: chủ động lập kế hoạch đầu tư công đầu tư xây dựng các bến cá: Xuân Cảnh, Xuân Hải, Vịnh Hoà, Gành Đỏ (Sông Cầu); Lễ Thịnh, Nhơn Hội, Mỹ Quang (Tuy An).
Đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2025 các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Lạch xã An Hải-An Ninh Đông, Lạch Vạn Củi (Tuy An), Lạch xã Hoà Hiệp Nam-Hoà Hiệp Trung (Đông Hoà).
Cơ khí đóng, sửa tàu thuyền nghề cá: Tập trung đầu tư, nâng cấp các cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá quy mô lớn tại Sông Cầu, Tuy Hoà và Đông Hòa. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, dây chuyền công nghệ cho các cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá quy mô lớn để đáp ứng đủ năng lực đóng mới, sửa chữa tàu cá, chế tạo các loại chân vịt cỡ nhỏ và cỡ trung, lắp ráp máy thuỷ và hộp số các loại tàu cá, đại tu, trung tu và chế tạo các loại phụ tùng phụ kiện cho tàu cá, chế tạo các loại vật tư thiết bị khai thác và thiết bị boong tàu. Duy trì và phát triển các cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá có giấy phép, có triền đà của các địa phương để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa, cải hoán cho đội tàu thuyền nghề cá quy mô nhỏ của các địa phương. Từng bước chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đóng tàu bằng vật liệu mới cho các cơ sở này. Đầu tư xây dựng 3 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá quy mô lớn tại Sông Cầu (gắn với cảng cá Dân Phước), Tuy An (gắn với cảng cá Tiên Châu) và Tuy Hoà (gắn với cảng cá Đông Tác), với công suất đóng mới 20 chiếc/năm và sửa chữa 50 chiếc/năm (năm 2025) và đến năm 2030 nâng công suất đóng mới lên 30 chiếc/năm và sửa chữa 70 chiếc/năm. Đầu tư xây dựng mới nhà máy đóng, sửa tàu cá bằng các vật liệu mới như Composite, Polypropylene Polystone Copolymer (PPC) và thép; từng bước thay thế các tàu cá vỏ gỗ.
Sản xuất nước đá: Nhu cầu nước đá cung cấp cho đội tàu thuyền nghề cá neo đậu, bốc dỡ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 82.800 tấn. Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất nước đá hiện có để nâng tổng công suất sản xuất thực tế từ khoảng 30-35% hiện nay lên mức khoảng 50% so với tổng công suất thiết kế, đồng thời đầu tư xây dựng mới 1-2 cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Vật tư, thiết bị phục vụ khai thác: Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất, gia công vật tư, ngư cụ, lưới sợi quy mô hộ gia đình hiện có, đầu tư phát triển thêm 2-3 cơ sở sản xuất, gia công vật tư, ngư cụ, lưới sợi có quy mô lớn để đưa năng lực sản xuất đạt khoảng 2.000 tấn/năm vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 3.000 tấn/năm. Duy trì và phát triển hệ thống cơ sở cung cấp các loại máy móc, thiết bị khai thác, trong đó tập trung chủ yếu ở các cảng cá, bến cá. Duy trì và phát triển các dịch vụ khác phục vụ hoạt động khai thác thuỷ sản như nước ngọt, lương thực thực phẩm, bốc dỡ sản phẩm,… tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Duy trì và nâng cấp hệ thống cơ sở cung cấp nhiên liệu cho tàu thuyền nghề cá phân bố ở các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch theo Quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 của UBND. Đến năm 2025, mức cung cấp nhiên liệu cho hoạt động nghề cá ước đạt 400.000 tấn và khoảng 450.000 tấn vào năm 2030.
Đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển: Tập trung hình thành và phát triển mạnh đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển để đảm bảo nhu cầu thu mua, cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các đội tàu hoạt động khai thác trên biển, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, gắn với các tổ/đội sản xuất, các nghiệp đoàn nghề cá, các liên kết theo chuỗi. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đóng tàu dịch vụ hậu cần hiện đại có công suất trên 1.000CV với tải trọng trên 500 tấn thực hiện các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, vật tư, mua sản phẩm trên biển. Hình thành và phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với số lượng khoảng 70 chiếc vào năm 2020, đến năm 2025 đạt khoảng 80 chiếc và tăng lên khoảng 90 chiếc vào năm 2030. Trong đó, khoảng 5-10% là tàu chuyên cung cấp dầu cho đội tàu khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, tập trung chủ yếu ở huyện Đông Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa.
BBT (Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 10/01/2017)