Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; phối hợp điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch để làm căn cứ lập quy hoạch, quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và phát triển sản phẩm du lịch...
Nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch, nhất là các chính sách, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động; chính sách về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án du lịch; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; chính sách xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch.
Thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Tăng cường đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp du lịch theo tình hình mới.
Đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ hoạt động chuyển đổi số ngành du lịch; xây dựng hệ thống thống kê du lịch hiệu quả. Đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Đẩy mạnh hội nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại các khu du lịch, điểm du lịch.
Mỹ Luận