Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị cử tri
Trả lời công dân
Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị cử tri (15/09/2022)
Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Phú Yên đã phản ánh nội dung liên quan việc bùng phát thông tin trên các trang mạng xã hội có nhiều tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của xã hội hiện nay. Liên quan lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có Văn bản trả lời như sau:

Nội dung Cử tri phản ánh: Hiện nay, với sự bùng phát của thông tin trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube...), bên cạnh những tác động tích cực đã có nhiều tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của xã hội, nhất là xuất hiện ngày càng nhiều quảng cáo thuốc chữa bệnh bằng đông y, thực phẩm chức năng chữa các bệnh về xương khớp, tim mạch, huyết áp, hậu Covid-19 ... và những sản phẩm tiêu dùng khác nhưng không rõ chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sản phẩm tràn lan, sai sự thật trên mạng xã hội, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tác động tiêu cực đến xã hội, tạo môi trường lành mạnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, niềm tin của người tiêu dùng.

Liên quan vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã nắm bắt được thực trạng quảng cáo tràn lan trên các trang tin điện tử, mạng xã hội như cử tri phản ánh, để hạn chế tình trạng này Bộ đã khẩn trương triển khai các giải pháp như:

Bổ sung quy định để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới: Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới, trong đó bổ sung các quy định mới đáng chú ý như: (1) Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ TT&TT; (2) Các báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử, người quảng cáo có quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm; (3) Yêu cầu các báo điện tử, mạng xã hội, và trang tin điện tử, đại lý quảng cáo trong nước không hợp tác quảng cáo với các trang tin/nền tảng quảng cáo không tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật về quảng cáo nói chung như: quảng cáo cho game cờ bạc, buôn bán vũ khí, chất liệu gây nổ, tiền giả, hàng nhái, hàng giả, buôn bán động vật hoang dã..., đặc biệt tập trung trên 2 nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook và Google. Đối với trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn các quảng cáo vi phạm, nhất là các quảng cáo vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Thực hiện phương án kỹ thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm nhưng không hợp tác ngăn chặn theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Yêu cầu nhà phát hành quảng cáo trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; Triển khai các biện pháp để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; không hợp tác quảng cáo với các website/nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT (hiện nay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã công bố 25 website vi phạm pháp luật không được gắn quảng cáo).

Tiến hành thanh, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp.

Phối hợp với các bộ, ban, ngành và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với các sản phẩm quảng cáo thuộc chuyên ngành quản lý của các Bộ ngành khác, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành có liên quan đều có trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp để xử lý theo nguyên tắc: các Bộ quản lý chuyên ngành xác định nội dung quảng cáo vi phạm theo quy định chuyên ngành; các Bộ sẽ chủ trì xử lý các quảng cáo khi tự phát hiện; chuyển Bộ TT&TT xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm; Bộ TT&TT xử lý quảng cáo trên các nền tảng báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp do Bộ TT&TT cấp phép. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh các nội dung quảng cáo vi phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, hoạt động khám chữa bệnh...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã kiểm tra đột xuất 02 doanh nghiệp; tổ chức làm việc 10 doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính 03 doanh nghiệp quảng cáo với tổng số tiền 45 triệu đồng; nhắc nhở 06 doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; yêu cầu nền tảng quảng cáo xuyên biên giới cung cấp giải pháp kỹ thuật để nhà phát hành quảng cáo trong nước chủ động gỡ bỏ thông tin vi phạm; Phối hợp với các bộ, ban, ngành và các đơn vị có liên quan để rà soát và xử lý quảng cáo vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh...

 

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: