Cử tri kiến nghị: Bộ KH&CN xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 của Bộ KH&CN theo hướng: hướng dẫn cụ thể việc giao quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN đối với đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ; bổ sung quy định hướng dẫn giao quyền đối với các nhiệm vụ không có sản phẩm có khả năng thương mại hóa; gắn trách nhiệm của các đơn vị chủ trì, đơn vị đề xuất đặt hàng, đơn vị tiếp nhận chuyển giao các địa phương trong việc ứng dụng, nhân rộng và chuyển kết quả nghiên cứu sau khi được bàn giao; trách nhiệm của các đơn vị trong việc báo cáo ứng dụng kết quả cho cơ quan quản lý là Sở KH&CN.
Về vấn đề này, Bộ KH&CN cho biết: Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Điều 41 Nghị định 70/2018/NĐ-CP về việc giao quyền sử dụng tài sản, khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 19 và Điều 22 Nghị định 70/2018/NĐ-CP về việc hoàn trả giá trị tài sản và việc phân chia lợi nhuận với Nhà nước.
Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 hướng dẫn Điều 41 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước trên cơ sở căn cứ pháp lý được quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP. Theo đó: Đối tượng tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được quy định điều chỉnh tại Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN là các tài sản đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; Tổ chức, cá nhân được nhận giao quyền sử dụng tài sản quy định điều chỉnh tại Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN là tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 19 và Điều 22 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.
Quy định về việc xử lý các sản phẩm (không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định), giao quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN đối với đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ không thuộc phạm vi của Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN.
Vừa qua, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP đã có Công văn số 3970/BTC-QLCS ngày 06/5/2022 gửi bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, đề nghị làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định của pháp luật.
Bộ KH&CN xin tiếp thu, ghi nhận các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản và các ý kiến đề xuất của Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên và sẽ cân nhắc tổng hợp các nội dung ý kiến nêu trên trong công văn phúc đáp Công văn số 3970/BTC-QLCS ngày 06/5/2022 của Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ KH&CN kiến nghị Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên, trên cơ sở nghiên cứu Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và kết quả tổng hợp các vướng mắc về công tác xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa phương, có kiến nghị gửi UBND tỉnh để tổng kết, đánh giá gửi Bộ Tài chính theo đề nghị tại Công văn số 3970/BTC-QLCS ngày 06/5/2022 để Bộ Tài chính có báo cáo đánh giá toàn diện về việc triển khai thực hiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP cũng như có phương án sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Cử tri kiến nghị: Khi triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, việc thẩm định số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc (nghiên cứu cơ sở lý luận, nghiên cứu chuyên môn; các nghiên cứu giải pháp, kiến nghị,...) chưa có định mức cụ thể nên không có cơ sở để xác định được số ngày công. Cử tri kiến nghị Bộ KH&CN ban hành quy định hoặc khung định mức ngày công cho từng nội dung nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội, nhân văn.
Theo Bộ KH&CN, việc xây dựng định mức ngày công cụ thể cho từng chức danh, từng nội dung công việc trong nhiệm vụ KH&CN đã được đặt vấn đề trong quá trình sửa đổi Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Tuy nhiên, Bộ KH&CN nhận thấy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một hoạt động có tính đặc thù cao trong đó có tính mới của nghiên cứu; mỗi nhiệm vụ sẽ có những nội dung công việc khác nhau, hoặc công việc có thể cùng một tên (nghiên cứu cơ sở lý luận, nghiên cứu chuyên môn; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, kiến nghị;..) nhưng sẽ có mức độ phức tạp khác nhau, đòi hỏi thời gian, công sức nghiên cứu khác nhau. Bộ KH&CN đã nghiên cứu xây dựng định mức ngày công theo định hướng như đề xuất của Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên, tuy nhiên hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra quy định phù hợp.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, ban hành các Thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Bộ KH&CN xin tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên và sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định, định mức phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng dự toán, thẩm định kinh phí nhiệm vụ KH&CN.
Cử tri kiến nghị: Việc kiểm tra, đánh giá, thương mại hóa kết quả sau nghiệm thu của các đề tài, dự án vẫn gặp nhiều lúng túng, chưa ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu. Cử tri kiến nghị Bộ KH&CN ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu để tạo điều kiện nhân rộng các kết quả nghiên cứu, khai thác tối đa dữ liệu KH&CN của mạng lưới quốc gia phục vụ công tác tư vấn, phổ biến tuyên truyền kiến thức KH&CN.
Bộ KH&CN cho biết: Căn cứ Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, Bộ KH&CN đang nghiên cứu, rà soát và xây dựng Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ NSNN vào sản xuất, kinh doanh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về việc kiểm tra, đánh giá tình hình thương mại hóa sau khi nghiệm thu của các nhiệm vụ KH&CN. Bộ KH&CN xin tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên và sẽ nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và triển khai các nội dung được cử tri quan tâm đề xuất.
Cử tri kiến nghị: Hiện nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt công tác ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ còn chưa kịp thời để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Cử tri kiến nghị Bộ KH&CN có chính sách cụ thể và đồng bộ về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhất là hỗ trợ xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, qua đó góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Vấn đề này, Bộ KH&CN cho biết: Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng, trình/ban hành/triển khai nhiều chính sách cụ thể và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng về công nghệ của doanh nghiệp, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành các chương trình quốc gia với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"2 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận, ứng dụng, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến của thế giới.
Ban hành Thông tư về việc hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đây là một trong các chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sử dụng nguồn đầu tư cho KH&CN trong thời gian sắp tới.
Đối với hoạt động xây dựng bản đồ và lộ trình công nghệ, Bộ KH&CN đã ban hành Sổ tay Hướng dẫn xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia tư vấn để các địa phương/tổ chức/doanh nghiệp chủ động triển khai xây dựng các bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp với nhu cầu và mục tiêu phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai lộ trình đổi mới công nghệ cũng là một trong những nội dung được triển khai trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Mỹ Luận