Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp
Tin tức nổi bật
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp (11/08/2022)
Sáng 11/8, tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Phú Yên, đồng chí Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Yên

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua; cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý "lá lành đùm lá rách", càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta. Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh vừa qua, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trong thời gian qua, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định. Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây. An ninh năng lượng, an ninh lương thực đang ở mức đáng báo động; an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Một điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II/2022.

Đối với tỉnh Phú Yên, 07 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế tỉnh đã dần được khởi sắc hơn, số lượng doanh nghiệp đăng ký cấp mới 352 doanh nghiệp, tăng 41,36% so với cùng kỳ năm 2021, số vốn đăng ký là 3.216,375 tỷ đồng, tăng 23,69% so với cùng kỳ năm 2021. Có 53 doanh nghiệp giải thể, giảm 8,62% so với cùng kỳ 2021 (53/58); 66 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử là 47,47% (trung bình cả nước 66,51%). Lũy kế số doanh nghiệp hoạt động đến ngày 31/7/2022 là 4.041 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là khoảng 73.957 tỷ đồng. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư 08 dự án ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư khoảng 800,154 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh trong các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản, sân golf, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao...

Cùng với chủ trương phát triển doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp tại địa phương, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính thường xuyên được thực hiện; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với các nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững tại địa phương.

 Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: