Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Phú Yên
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; tiến độ, kết quả xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Luật cũng quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm ANTT của từng vùng miền; quy định quan hệ công tác với Hội đồng Nhân dân, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.
Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng, Luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và bảo đảm khả thi khi Luật này được ban hành…
Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trình bày tiến độ, kết quả xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đối với Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; dự kiến nội dung hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện phương án kiện toàn thống nhất Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại các địa phương. Hội nghị cũng được nghe đại diện lãnh đạo Cục Trang bị và kho vận phổ biến danh mục, kiểu dáng, màu sắc, tiêu chuẩn, niên hạn sử dụng trang phục; danh mục, tiêu chuẩn định mức trang bị công cụ hỗ trợ cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ nhiệm vụ và vai trò quan trọng của Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các nội dung như: Thực trạng và một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn Hà Nội; Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giữ vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần quan trọng trong giải quyết tốt những vấn đề nổi lên về ANTT tại cơ sở...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả tích cực trong công tác chuẩn bị của Công an các đơn vị, địa phương đối với việc triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thời gian qua. Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương phải thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng trong hoạt động, quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện các nhiệm vụ; chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT ở sở; Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo để đảm bảo chuẩn bị tốt các điều kiện, hoàn thành các nhiệm vụ triển khai Luật theo đúng tiến độ đề ra. Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thi hành Luật; sớm ban hành Nghị quyết của HĐND về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT; chế độ chính sách và mức hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng này trong thời gian tới.
Thủy Loan