Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Phú Yên có đồng chí Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, với 3 trụ cột đổi mới (xóa quan liêu bao cấp; thực hiện đa sở hữu và hội nhập), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nền kinh tế với quy mô chỉ 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 100 USD/năm; đến nay nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD.
Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Trong đó nổi bật là: Đại dịch COVID-19; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột ở Ukraine; giá dầu thô, khí đốt, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; lạm phát tăng cao,...
Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy nhưng kinh tế Việt Nam đã có những bước đột phá. Theo nhiều chuyên gia, tổ chức đánh giá, kinh tế Việt Nam đi ngược lại xu hướng chững lại của châu Á, thế giới khi lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, tăng trưởng cao và điều chỉnh dự báo tăng trưởng cao hơn so với trước đó. Quốc phòng, an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về tinh thần và vật chất.
Thủ tướng nhấn mạnh, có được những kết quả nêu trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn và có đóng góp nhiều hơn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ sự vui mừng, trân trọng sự quan tâm và những chính sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hợp tác, phát triển. Đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và đang rất được chú ý, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ đây là cơ hội, mở ra triển vọng cho bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm, mong muốn cùng hợp tác phát triển bền vững, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ thêm những cơ hội, thách thức và giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Trong đó các ý kiến cho rằng thách thức hiện nay mà các doanh nghiệp nước ngoài đang gặp phải là tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt trong mảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyên gia hàng không,…
Các doanh nghiệp cũng mong muốn có sự nhất quán trong môi trường kinh doanh. Theo đó cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ quy định, chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, các ưu đãi cụ thể. Đồng thời Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, quy hoạch cơ sở hạ tầng chiến lược, kinh doanh kho bãi, logistics,… chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành cũng đã có những giải đáp, phản hồi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón các dự án đầu tư. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội…
Mỹ Luận