Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Cùng chủ trì Diễn đàn với Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là một số nội dung hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Diễn đàn với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW" để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX nói riêng; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20 của Trung ương.
Sau Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Theo Liên minh HTX Việt Nam, các HTX trên cả nước đang hoạt động đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và tín dụng; nhiều HTX tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường. Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 2.293 HTX thương mại-dịch vụ, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 694 HTX khác).
Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới từ sau Luật HTX năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, nhiều HTX chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất (nhà xưởng và máy móc từng bước hiện đại, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, điều hành, một số chuyển đổi số mạnh mẽ...). Nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX nông nghiệp có giám đốc và nguồn nhân lực trẻ, năng động, khởi nghiệp bước đầu thành công qua mô hình HTX mạnh dạn, chủ động, tiếp cận, đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các HTX cùng loại hình hoặc khác loại hình theo chiều hướng tăng ứng dụng chuyển đổi số, thích ứng đặc biệt trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Đối với tỉnh Phú Yên, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chương trình hành động số 13-CTr/TU (khoá XIII) ngày 02/7/2002 của Tỉnh ủy tình hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các HTX cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; có nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an sinh xã hội; Thông qua hoạt động của Tổ hợp tác, HTX tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đã có đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63 tổ hợp tác, 02 Liên hiệp HTX và 168 HTX đang hoạt động gồm: lĩnh vực nông nghiệp 132 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 08 HTX, giao thông vận tải 15 HTX, thương mại và dịch vụ 13 HTX và 04 Quỹ tín dụng nhân dân; có 112.120 thành viên, lao động làm việc thường xuyên trong HTX 2.660 người; tổng vốn khoảng 567 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ khoảng 277 tỷ đồng. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bình quân gần 1,3 tỷ đồng/HTX, thu nhập bình quân gần 80 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động trong hợp tác xã 3,5 triệu đồng/người/tháng.
UBND tỉnh đã tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, để tiếp tục tạo điều kiện, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian đến. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ đó phổ biến đến các HTX người nông dân trong sản xuất kinh doanh.
Mỹ Luận