Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022
Năm 2021, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 9 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông. Riêng cơn bão số 9 (siêu bão Rai) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Phú Yên gây mưa lớn cho khu vực của tỉnh. Mùa lũ năm 2021 các sông suối trên địa bàn tỉnh Phú Yên có đến 6 đợt lũ, xảy ra từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 12. Riêng tháng 11 xuất hiện 04 đợt lũ, thiệt hại do lũ lụt và cơn bão số 09 gây ra làm 08 người chết, tài sản ước tính thiệt hại hơn 588 tỷ đồng. Về hạn hán, thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ra khô hạn trên diện rộng, làm cho 3.811 ha lúa vụ Hè Thu, 1.500 ha cây ăn quả, 11.220 ha sắn, 8.192 ha mía bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, làm giảm năng suất, sản lượng; xảy ra 07 vụ cháy rừng, thiệt hại 92,58 ha rừng trồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp khó lường gây mưa lớn, lũ lụt trái mùa trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra (từ ngày 30/3-02/4/2022) trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 355,8 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, thời gian qua công tác phòng chống thiên tai của tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của xã hội, từ Trung ương đến địa phương; ban hành kịp thời các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. UBND các các cấp, các cơ quan, đơn vị đã kiện toàn Ban Chi huy Phòng chống thiên tai và TKCN; chủ động xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống thiên tai. Các địa phương đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” một cách chủ động không trông chờ, ỷ lại; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nâng cao về tác hại của lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường… chủ động phòng tránh.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, lực lượng chức năng trong công tác phòng chống thiên tai ngày càng được tăng cường và phát huy hiệu quả. Các đơn vị lực lượng vũ trang thường xuyên tham gia diễn tập, tập huấn những kỹ năng trong công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và nâng cao kỹ năng hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai (bão, lũ lụt...), góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đánh giá tại hội nghị cũng cho thấy, mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn nhưng vẫn còn xảy ra hạn hán sản xuất nông nghiệp nhất là vụ lúa Hè Thu, công tác chuyển đổi cây trồng ứng với biến đổi khí hậu còn chậm, chưa chủ động thích ứng. Năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguồn vốn đầu tư cho công trình phòng chống thiên tai (kè, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền…) còn hạn chế, nhiều khu vực chưa được quan tâm đầu tư xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến dân sinh và phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức bộ máy PCTT và TKCN các cấp hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu trang thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ theo dõi…dẫn đến lúng túng, bị động trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đối với tình huống thiên tai lớn, ảnh hưởng trên diện rộng…
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay đến cuối năm 2022, dự báo có khoảng 10- 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (từ 12- 14 cơn) và có khoảng từ 4- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, khu vực tỉnh Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1- 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 12/2022, các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt lũ, vùng thượng lưu có khả năng xuất hiện lũ lớn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ phát biểu kết luận hội nghị
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn, chủ động hơn nữa trong công tác Phòng, chống thiên tai và TKCN các tháng còn lại năm 2022, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai; chủ động tổ chức tập huấn, diễn tập PCTT và TKCN, thực hiện công tác kiểm tra chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt ở mọi cấp, ngành theo phương châm “4 tại chỗ”, “phòng hơn chống”; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, thường xuyên, phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT và TKCN tại các đơn vị trực thuộc, địa bàn cơ sở; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cũng yêu cầu trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và các chỉ thị, kế hoạch của tỉnh đã bàn hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động kiểm tra rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó với thiên tai, nhất là phương án di dời, sơ tán dân tại các khu sơ tán dân tập trung, cần phải đảm bảo an toàn các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định. Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT và TKCN tại các đơn vị trực thuộc, địa bàn cơ sở; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất.
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại hội nghị
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2022.
Mỹ Luận