|
Ảnh minh họa |
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn
vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường,
trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,
sữa, gas, cước vận tải… và kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có
biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh
dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiều
nhiên liệu từ xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết
kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác
động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực hiện giám sát chặt
chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai
giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực
tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc
điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua; kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch
vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách
nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu
các đơn vị trên tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định
của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa
bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc
chữa bệnh, gas…; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng
không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu hoặc tăng giá
cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu và các trường hợp vi
phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định
tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giá và quy định của pháp luật có liên quan.
(Theo dangcongsan.vn)