Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại động vật
Hoạt động lãnh đạo UBND Tỉnh
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại động vật (22/09/2022)
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật.

Chỉ thị nêu rõ, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 trường hợp người tử vong do bệnh Dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 02 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Tại tỉnh ta, 8 tháng đầu năm 2022 có 4.217 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân do công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương chưa tốt, người nuôi chó không chấp hành việc nhốt, xích, đeo rọ mỗm; chó thả rông cắn người, gây bức xúc cho cộng đồng; việc tiêm phòng Dại chó, mèo toàn tỉnh đạt tỉ lệ còn thấp; chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông nơi công cộng…

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nói trên và giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người bị tử vong vì bệnh Dại, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo và phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh về việc phòng, chống bệnh Dại năm 2022. Trong đó, khẩn trương thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó mèo nuôi giai đoạn 2022-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện việc khai báo, chấp hành nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được cảnh giác; tổ chức quản lý lập danh sách hộ nuôi chó mèo; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại.

Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục phối hợp với ngành thú y, mạng lưới thú y cơ sở tổ chức thực hiện tiêm phòng triệt để cho đàn chó nuôi, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng phải đạt trên 70% tổng đàn giai đoạn 2022-2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ tiêm phòng cần tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương theo quy định; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung tránh bỏ sót chó mèo thuộc diện tiêm phòng.

Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các bện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện cập nhật số liệu nuôi chó, mèo tại địa phương trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS). Phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã rà soát số lượng chó, mèo nuôi, lập sổ theo dõi; tổ chức tiêm phòng triệt để đàn chó, mèo đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm bệnh Dại và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh Dại.

Các cơ quan truyền thông, báo đài tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh Dại, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác phòng, chống dại; giành thời lượng thích hợp để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

Đối với chủ vật nuôi chấp hành công tác phòng, chống Dại tại địa phương bao gồm: Tiêm vắc xin Dại, khai báo việc nuôi chó mèo...; khi chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm theo quy định; khi để chó mèo thả rông cắn người thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật. Khi bị chó Dại hoặc nghi chó mắc bệnh Dại cắn phải đưa đến Trung tâm y tế để được điều trị dự phòng, không được tự ý điều trị bằng thuốc Nam.

 

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: