Thành lập Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên
Theo Quyết định 1321/QĐ-UBND ban
hành ngày 30/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên và
Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên.
Quỹ giải
quyết việc làm tỉnh Phú Yên được hình thành từ các nguồn: Ngân sách
địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định; Hỗ trợ của các tổ chức và cá
nhân trong và ngoài nước; Các nguồn hỗ trợ khác. Năm 2012, bố
trí 5.000 triệu đồng từ ngân sách cấp tỉnh và sử dụng 1.000 triệu đồng chuyển
từ vốn thu hồi đã uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho
vay hộ gia đình nghèo tham gia dự án tín dụng - gia đình. Từ năm 2013 trở đi,
tùy theo khả năng ngân sách và tình hình thực tế của địa phương, mỗi năm sẽ bố
trí từ ngân sách cấp tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay Quỹ giải quyết việc làm
tỉnh
Quỹ giải quyết việc làm tỉnh
được ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải
quyết việc làm.
UBND tỉnh giao trách nhiệm Giám
đốc Sở Tài chính mở và làm chủ tài khoản Quỹ giải quyết việc làm tỉnh tại Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên và ký hợp đồng ủy thác cho Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức cho vay, quản lý thu hồi nợ theo
quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên và
các quy định hiện hành.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh
và Xã hội chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý hoạt động của Quỹ giải quyết
việc làm tỉnh; đồng thời hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này đảm bảo
đúng quy định của Nhà nước.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách
xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính hướng
dẫn, triển khai thực hiện Quy chế này và triển khai hướng dẫn về thủ tục hồ sơ
cho nhân dân trong tỉnh biết.
UBND
các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc,
UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp thực hiện tốt công tác cho vay giải
quyết việc làm theo chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành; đồng thời kiểm
tra, giám sát quá trình thực hiện trên địa bàn mình. Phối hợp với hệ thống Ngân
hàng Chính sách xã hội triển khai và tổ chức cho vay, xác nhận trung thực về
đối tượng vay vốn, tính khả thi của dự án, mục tiêu giải quyết việc làm; kiểm
tra đánh giá kết quả cho vay và thu hồi nợ của Quỹ tại địa bàn; phối hợp thu nợ đến hạn để bảo toàn nguồn vốn của
Quỹ.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở người,
bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 2703/UBND-VX ban
hành ngày 12/9/2012, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ động,
phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường các hoạt động
kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A(H5N1), bệnh tay chân
miệng, sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh phòng bệnh
tại các điểm dân cư, hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các điểm giết mổ, vận
chuyển, buôn bán, chăn nuôi gia cầm... Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa
bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, tăng cường công tác
chẩn đoán sớm, điều trị tích cực, hạn chế biến chứng và tử vong do cúm A(H5N1),
bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết; tập trung chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng
tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám
sát và phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; chỉ đạo
Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tổ chức công tác truyền thông trực
tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn, buôn, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh
niên... hướng dẫn cho hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng
bệnh trong gia đình và cộng đồng dân cư đối với các loại dịch bệnh này.
UBND tỉnh
yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, cần tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1), bệnh tay chân miệng, sốt xuất
huyết trong trường học; đồng thời hướng dẫn các em học sinh tuyên truyền về
phòng, chống dịch bệnh trong gia đình và cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với ngành
Y tế trong việc quản lý theo dõi sức khỏe học sinh, thông báo ngay cho ngành y
tế khi phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh cúm A(H5N1), bệnh tay chân miệng,
sốt xuất huyết để phối hợp xử lý kịp thời. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với
các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên các đàn gia
cầm, thủy cầm để phát hiện sớm; kịp thời thông báo cho ngành y tế và chính
quyền địa phương để phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, phòng lây nhiễm cúm A(H5N1)
từ gia cầm sang người.
UBND tỉnh
cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với
các ngành liên quan (y tế, nông nghiệp...) tập trung chỉ đạo, kiểm tra và giám
sát việc triển khai các hoạt động phòng, chống chống dịch cúm A(H5N1), bệnh tay
chân miệng, sốt xuất huyết của UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chức
năng; huy động nguồn lực của địa phương hỗ trợ tích cực cho các hoạt động
phòng, chống dịch, kiên quyết ngăn chặn không để dịch bùng phát lây lan trên
diện rộng...
Không điều chuyển bác sĩ tuyến xã lên tuyến trên
Để củng
cố, kiện toàn, tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, thực hiện được mục
tiêu đến 2015 đạt 80% xã có bác sĩ và 50% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; UBND
tỉnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các địa phương, chỉ đạo Trung tâm y tế huyện,
thị xã, thành phố làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ y tế tuyến xã yên
tâm công tác, có kế hoạch bố trí cán bộ tuyến cơ sở phù hợp, không điều chuyển
bác sĩ tuyến xã lên tuyến trên. UBND tỉnh cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh cần xem xét cụ
thể và tạm dừng việc tiếp nhận bác sĩ tuyến xã vào làm công tác giám định BHXH.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng
Thời
gian qua, theo phản ánh của báo chí trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ phá
rừng trái phép như tại xã EaLy, huyện Sông Hinh - khu vực rừng do Ban Quản lý
rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý bảo vệ; tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép
trên quốc lộ 25,... Trên cơ sở kiểm tra báo cáo và kiến nghị của Sở Nông nghiệp
và PTNT, UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Ban
quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc vì để lâm
tặc làm đường khai thác gỗ trái phép qua địa bàn rừng quản lý đến 300m, mới
được phát hiện; phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân liên
quan. Khẩn trương xây dựng triển khai phương án quản lý bảo vệ rừng phù hợp;
thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng (kể
cả các đơn vị, địa phương của tỉnh bạn vùng giáp ranh) để duy trì công tác kiểm
tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng. Chủ trì phối hợp với các
địa phương kiểm tra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép trên Quốc lộ 25; rà
soát lại đội ngũ Kiểm lâm, nhất là Kiểm lâm phụ trách các trạm, nếu không làm
tốt nhiệm vụ thì thay thế ngay. Đồng thời có biện pháp chỉ đạo quyết liệt kiểm
soát lâm sản, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo
UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm
nghiệp và triển khai các nội dung theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày
08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường công tác bảo
vệ rừng. UBND cấp huyện, xã và các chủ rừng xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí,
bổ sung biên chế để tăng cường quản lý bảo vệ rừng, theo chế độ chính sách hiện
hành,...
Tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em cùng được vui đón Tết
Trung thu
Theo
chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 2649/UBND-VX ban hành ngày 10/9/2012, UBND
tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch hướng dẫn các hoạt
động tổ chức Tết Trung thu năm 2012 với những nội dung phong phú, phù hợp với
tình hình của địa phương; phối hợp với các huyện, thị xã thành phố; các Hội,
đoàn thể, các ngành liên quan tổ chức Tết Trung thu vui vẻ, ý nghĩa.
Ưu tiên tổ chức Tết trung thu
tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... nhằm tạo cơ hội
bình đẳng cho mọi trẻ em cùng được vui đón Tết Trung thu. Thăm, tặng quà cho
trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ
em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để động viên trẻ em bước vào năm học mới
với những nỗ lực vượt khó; vui đón Tết Trung thu cùng trẻ em tại cộng đồng.
UBND các huyện, thị xã, thành
phố chỉ đạo các ban ngành, UBND các xã phường, thị trấn phối hợp cùng hội, đoàn
thể tổ chức tốt Tết Trung thu cho trẻ em, nhất là tại các địa bàn vùng sâu,
vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tạo điều kiện về kinh phí và cơ
sở vật chất để tất cả trẻ em được đón Tết Trung thu tại cộng đồng vui vẻ, an
toàn, lành mạnh và thân thiện; định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi truyền thống,...
Các sở, ban, ngành; hội, đoàn
thể; đơn vị lực lượng vũ trang tùy vào tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị
mình tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu phù hợp và có ý nghĩa thiết thực
cho con em cán bộ công chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ trong cơ quan, đơn
vị mình.
UBND tỉnh cũng yêu cầu, các
ngành chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực
phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là
các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử
lý kịp thời việc kinh doanh các loại văn hóa phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính
chất độc hại, bạo lực, kích động, không phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Các cơ
quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường truyền thông về công tác bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt vì
trẻ em; phê phán, lên án các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Tình hình kinh tế - xã
hội tuần qua
Về các lĩnh vực kinh
tế, đã thu hoạch
lúa vụ Hè Thu khoảng 17.500ha, năng suất bình quân khoảng 62,8 tạ/ha, dự kiến
đến ngày 25/9/2012 cơ bản thu hoạch xong; Bà con tiếp tục xuống giống sản xuất,
chăm sóc và thu hoạch các cây trồng cạn và rau màu. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ổn định, cơ quan chức năng đã
hướng dẫn người nuôi cách phòng trị, tiêu độc sát trùng chuồng trại và giám sát
tình hình dịch bệnh những khu vực xung quanh; tiếp tục tăng cường thực
hiện công tác kiểm dịch động vật tại các chốt, trạm trên địa bàn tỉnh; kiểm
soát hoạt động mua bán tiêu thụ gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm. Đến nay diện tích thả nuôi các đối tượng thủy sản
khoảng 2.635ha; tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.345 tấn; sản lượng khai
thác đạt 700 tấn, lũy kế đạt 43.000 tấn, trong đó: cá 37.800 tấn (riêng cá ngừ
đại dương đạt khoảng 6.030 tấn).
Tổng mức bán lẻ
hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 235 tỷ đồng,
lũy kế 10.111 tỷ đồng, đạt 70,7% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu 2,7 triệu
USD, lũy kế 83,15 triệu USD, đạt 43,7%KH. Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 1,5
triệu USD, lũy kế 39,35 triệu USD, đạt 49,2% so với KH. Lực lượng quản lý thị trường tiếp
tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường việc chấp hành pháp luật về giá,
thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra, xử lý các vi phạm
trong kinh doanh thực phẩm. Dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá ổn định đáp
ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuyến bay Tuy Hoà - TP Hồ Chí Minh và
ngược lại thực hiện 07 chuyến, hệ số ghế sử dụng bình quân đạt 82,9%; Tuyến bay Tuy Hòa-Hà Nội và ngược
lại thực hiện 05 chuyến, hệ số sử dụng ghế bình quân đạt 63,5%. Thu ngân sách
trên địa bàn tỉnh thực hiện 909 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán tỉnh,…
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã điều trị kịp thời 34 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 11 trường hợp
so với tuần trước), xảy ra 03 trường hợp mắc sốt rét, ngành y tế tiếp tục tuyên
truyền các biện pháp phòng chống các dịch bệnh ở người, nhất là bệnh
tay-chân-miệng, bệnh sốt xuất huyết; triển khai các hoạt động Tết Trung
thu năm 2012,…