Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới
Thông tin Ngành - Địa phương
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới (14/12/2023)
Sáng 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Tổng kết 10 năm cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển GD&ĐT cơ bản đạt và vượt kế hoạch: hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Từ năm học 2020- 2021 đến nay, việc triển khai Chương trình GDPT 2018, thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK) và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành SGK bước đầu tạo sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo vẫn còn hạn chế, mới đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước ở trình độ trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành học, trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Đội ngũ nhà giáo còn bất cập về cơ cấu và chất lượng, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là toàn ngành giáo dục, trong việc triển khai đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn. Theo đồng chí Bộ trưởng, Nghị quyết 29-NQ/TW có giá trị mở đường, có tầm nhìn lâu dài, đạt nhiều kết quả, thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện đổi mới. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ đề xuất với Bộ Chính trị tiếp tục kiên trì định hướng đổi mới; tăng tính nhất quán trong chỉ đạo.

Hiện nay, GD&ĐT đang đứng trước nhiều thách thức mới trong việc phát triển con người, nguồn nhân lực, nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục, áp lực cạnh tranh toàn cầu về giáo dục…cần có sự chủ động ứng phó. Trước hết, cần gia tăng nhận thức để có hành động tương xứng để các vấn đề của nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ.

Theo đó, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về GD&ĐT còn thiếu, chưa đồng bộ và sớm xây dựng Luật Nhà giáo; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục…

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: