Tuyến ĐT642 đi huyện Đồng Xuân bị ngập nước. Ảnh: PYO
Về hồ thủy lợi, tỉnh hiện có 51 hồ chứa nước, trong đó có 04 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3 gồm: Đồng Tròn, Phú Xuân, Suối Vực và Mỹ Lâm. Các hồ điều tiết xả nước qua tràn, từ 26-122m3/s; các hồ chứa còn lại do địa phương, đơn vị quản lý đang tích nước, với dung tích phổ biển từ 50 - 72%, một số hồ chứa nhỏ có tràn tự do đạt 100% so với dung tích thiết kế.
Mưa lũ cũng làm anh Mạc Văn Cường (sinh năm 1983, trú xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) bị nước cuốn trôi khi di chuyển qua khu vực đường tràn qua suối Hố Nai (vị trí là tràn qua suối tự nhiên trên đường vào Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng) vào đêm qua (16.11). Hiện lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.
Mưa lũ khiến 235 ngôi nhà tại xã An Cư (huyện Tuy An); 21 nhà ở xã Hoà Thịnh (huyện Tây Hòa) bị ngập sâu từ 0,2 - 0,5m. 02 con gia súc; 520 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi (huyện Tuy An và Tây Hoà).
Về giao thông, tuyến đường ĐT642 (Triều Sơn - La Hai) bị ngập tại Km14+300 - Km14+340. Các tuyến QL25, QL29, QL19C bị hư hỏng, sạt lở nền đường, mặt đường.
Mực nước đo được tại trạm thủy văn các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ở mức báo động cấp 1, đến cấp 2; có sông trên báo động cấp 2. Các hồ chứa vận hành điều tiết theo quy trình trong mùa mưa lũ, xả nước qua tràn, tích nước, đón lũ từ lúc 6h ngày 17.11.
Các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 16/11/2023 của UBND tỉnh. Cụ thể, tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về diễn biến mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Triển khai thực hiện các phương án bảo vệ sản xuất, các khu vực nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn. Sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn công trình và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển... Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Chỉ đạo huy động lực lượng phương tiện trang thiết bị tìm kiếm người bị nạn, mất tích. Tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ các bản tin về mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó.